Xây dựng lúa gạo thành sản phẩm quốc gia
07-05-2015 12:43:59 PM // 845 lượt xem
Đầu tư vào khâu chọn giống
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, ngành nông nghiệp có hệ thống các viện nghiên cứu về giống nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa chọn tạo được giống lúa đáp ứng được yêu cầu của nhà nông: năng suất, chất lượng cao và chống chịu được nhiều loại sâu bệnh. Do vậy, để xây dựng lúa gạo thành sản phẩm quốc gia, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là chọn tạo giống lúa có chất lượng, năng suất và giá trị thương mại cao.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Hải Phòng. Đình Huệ - TTXVN
Bên cạnh đó, việc cải tiến những giống lúa chủ lực có ưu điểm chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, chịu được điều kiện bất lợi cũng sẽ được quan tâm đầu tư. Cụ thể, các viện nghiên cứu về giống phải chọn tạo được các giống lúa ngắn ngày, phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu, đạt giá trị tương tương 600 USD/tấn trở lên; riêng giống lúa thơm ngắn này đạt giá trị tương đương 800 USD/tấn trở lên.
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến sẽ có 6 - 8 giống lúa ngắn ngày được đưa vào đề án xây dựng lúa gạo thành sản phẩm quốc gia. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày ở phía Bắc và dưới 100 ngày ở phía Nam, có năng suất từ 6 - 7 tấn/ha, hạt gạo dài, trong, ít bạc bụng, chống chịu tốt với sâu bệnh và thời tiết bất lợi. Đây là những giống lúa chủ lực trong sản xuất ít nhất 10 năm. Ngoài ra, có từ 5 - 7 giống lúa thơm ngắn ngày cũng được đưa vào đề án, với năng suất tối thiểu từ 6 - 6,5 tấn/ha, có mùi thơm, chống chịu tốt với nhiều loại sâu bệnh. Các giống lúa này sẽ được gieo cấy tập trung tại ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ. Dự kiến, sản lượng của vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao sẽ đạt khoảng 15 triệu tấn, chiếm 1/3 tổng sản lượng lúa của cả nước.
Đầu tư cho hệ thống sấy, bảo quản
Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, tổng sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trước đây, tỉ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch của toàn vùng lên tới 20%, nay con số này đã giảm song vẫn còn ở mức từ 13 - 15%. Như vậy, mỗi năm, nông dân ĐBSCL rơi vãi ít nhất là 3 triệu tấn lúa. Tính chung cả nước, mỗi năm, nhà nông mất tới 4,4 triệu tấn lúa. Nguyên nhân là do nông dân chưa có máy móc hiện đại trong khâu thu hoạch cũng như phơi sấy, bảo quản. Lúa được bảo quản trong các kho truyền thống thường khiến chất lượng gạo giảm sút, nhất là trong mùa mưa.
Mục tiêu xây dựng lúa gạo thành sản phẩm quốc gia:
- Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản, nhà máy chế biến với quy mô 400 ha vào năm 2015 và 2 triệu ha vào năm 2020.
- Thu nhập của người trồng lúa tăng 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020 so với năm 2013.
- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo; nâng giá gạo xuất khẩu tương đương giá gạo của Thái Lan vào năm 2020.
Khắc phục tình trạng này, theo chương trình xây dựng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ sau thu hoạch, gồm: sấy, chế biến, bảo quản quy mô công nghiệp, với mục tiêu giảm tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch còn từ 4 - 5%. Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống kho sấy, kho bảo quản, nhà máy xay xát để đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu sản xuất 2 triệu ha vùng nguyên liệu. Theo ông Dương Quốc Xuân, Bộ nên căn cứ vào đặc điểm vùng miền khi xây dựng các kho chứa. Tại vùng ĐBSCL, kho chứa lúa hợp lý nhất là các silo (ống hình trụ bằng kim loại, đáy hình chóp, cao khoảng 30 - 25 m). Các silo này có ưu điểm là bảo quản lúa tốt hơn và giảm công vận chuyển lúa khi tiêu thụ.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu
Một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo cũng đã được Bộ NN&PTNT tính đến. Bộ dự kiến sẽ xây dựng 5 - 10 doanh nghiệp đủ điều kiện có được thương hiệu lúa gạo cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại thị trường trong nước và xuất khẩu đóng vai trò là hạt nhân liên kết với nông dân và doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào để xây dựng các vùng lúa nguyên liệu. Việc này là cần thiết bởi theo giáo sư Võ Tòng Xuân, nếu chỉ tập trung vào khâu giống thôi thì chưa thể nâng cao được thu nhập cho nông dân. Vấn đề cốt lõi, theo giáo sư Xuân, là phải hình thành được mối liên kết từ khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Chỉ khi nào sản xuất lúa thực hiện theo chuỗi giá trị này thì đời sống nông dân mới khá lên được.
Tin tức khác