Sau đây chúng tôi giới thiệu đến bà con nông dân qui trình sản xuất phân hữu cơ sinh học từ vỏ cà phê để làm tư liệu áp dụng cho gia đình cũng như giới thiệu đến các bà con khác trong vùng.
Nguyên vật liệu
- Vỏ cà phê khô: 2000 kg, Phân chuồng: 400 kg, Đạm urea: 20 kg, Phân Lân Văn Điển: 100 kg, Phân KCL: 40 kg (có thể có hoặc không), Vôi bột: 40 kg, Đường: 3 kg (đường cát vàng hay rỉ mật)
- Men giai đoạn 1: Men vi sinh phân hủy Microactive: 3 kg
- Men giai đoạn 2: Men cố định N, phân giải P (Azotobacter, B. megaterium): 3 kg
Nhân công
4 công lao động bao gồm công chuẩn bị vật liệu, tưới nước, tưới ướt làm ẩm nguyên liệu, đảo trộn nguyên liệu, vun đống, kiểm tra các đợt...
Dụng cụ cần thiết
Thùng chứa nước dung tích 200 lít, cào, cuốc, thùng tưới, máy bơm nước, bạt tủ nguyên liệu 24m2 (kích thước 4 x 6 m)
Các bước thực hiện
1. Hoạt hóa men
Trước khi tiến hành ủ 2-3giờ, hoạt hóa men vi sinh phân hủy (Microative) giai đoạn 1 : 3 kg men hòa trong 150 lít nước sạch trong thùng được rửa sạch, 3 kg đường vàng và 300g urea, khuấy cho tan đều. Cứ 20 phút khuấy đều một lần.
2. Phối trộn nguyên liệu và ủ đống
Vỏ cà phê được tưới nước bổ sung cho đạt ẩm độ khoảng 60% (có thể xác định bằng máy đo độ ẩm hay theo phương pháp: nắm vỏ cà phê bóp thật chặt, nếu có nước thừa chảy ra thì độ ẩm thừa, nếu không có nước chảy ra, khi thả nắm tay ra, vỏ cà phê không kết dính và bung ra ngay, như vậy độ ẩm thiếu, trường hợp đạt độ ẩm khoảng 60% là khi vỏ cà phê có gắn kết và bung ra từ từ). Vỏ cà phê được trải lớp mỏng với độ cao khoảng 50cm, rải lớp lân, phân chuồng và vôi, đảo nhẹ cho các thành phần trộn lẫn nhau, rải lớp urea và phối trộn đều các thành phần. Tiếp theo tiến hành tưới men đã hoạt hóa với hỗn hợp vật liệu, trộn đều và lên luống. Kích thước luống có chiều cao 0,9-1,2 m, bề rộng luống 2,5-3,0 m, chiều dài luống tùy theo khối lượng đống ủ, dẫm chặt đống ủ và dùng bạt phủ kín.
Sau 1 tuần ủ, tiến hành kiểm tra nhiệt độ đống ủ, nếu nhiệt độ đống ủ tăng lên thì men đã bắt đầu hoạt hóa. Sau 30 ngày ủ, tiến hành đảo trộn lại 1 lần cho đều, kiểm tra và bổ sung ẩm độ. Sau đó ủ tiếp 30 ngày lại đảo trộn và bổ sung ẩm độ nếu thấy khô (vỏ cà phê khô sau 3-3,5 tháng sẽ phân hủy).
3. Trộn men giai đoạn 2
Men giai đoạn 2 gồm các vi khuẩn cố định đạm N Azotobacter và vi khuẩn phân giải P Bacillus megaterium. Khi nguyên liệu hoai mục, nhiệt độ trong đống ủ khoảng 35-40 độ C (sau ủ 3 tháng), thì tiến hành hòa 3 kg men giai đoạn 2 với nước sạch, tưới trộn đều nguyên liệu, bổ sung 20 kg KCl, ủ tiếp 3-5 ngày, sau đó đem bón hay hong khô cho đạt ẩm độ < 25% rồi đóng bao bảo quản trong mát hoặc nhà kho để đảm bảo chất lượng của phân (không tủ đống ngoài sân hoặc phơi nắng, mưa).
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm men dùng để ủ phân hữu cơ và vỏ cà phê như sản phẩm men BIO-ASTI của Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng.