Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược xuất khẩu nông sản thật bài bản.
PGS.TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương- cho rằng: Đã đến lúc Việt Nam cần phải có suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược xuất khẩu nông sản bài bản và lâu dài.
Quản lý chặt chẽ thương nhân Trung Quốc
Xung quanh câu chuyện thu mua nông sản ồ ạt thời gian gần đây của thương nhân Trung Quốc, đang diễn ra nhiều luồng ý kiến. Có chuyên gia cho rằng đây là chuyện bình thường và là cơ hội tốt cho nông dân và tạo sự cạnh tranh để DN Việt Nam chấn chỉnh hoạt động. Nhìn dưới góc độ một chuyên gia về thương mại, ông nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Thương nhân Trung Quốc mua ồ ạt nông sản của nông dân Việt Nam đã nhiều lần rồi mà Chính phủ Trung Quốc cũng đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam cố gắng sau khi Trung Quốc vào WTO, Việt Nam vào WTO ủng hộ nhau cùng phát triển quan hệ xuất nhập khẩu chính ngạch. Và chỉ bao giờ quan hệ xuất nhập khẩu chính ngạch theo sự thỏa thuận của Chính phủ hai bên thì mới có thể giải quyết được những vấn đề mà thế giới thỉnh thoảng quan tâm tới, nhưng trên thực tế chúng ta lại không làm được điều này nên xuất nhập khẩu tiểu ngạch ngày càng phát triển và người tham dự vào chuyện này luôn luôn chịu rủi ro. Chúng ta thấy một loạt các hiện tượng mà báo giới cũng ồ ạt nêu lên như dưa hấu đến mùa thì đổ tràn ngập cửa khẩu Tân Thanh, rồi vải thiều, hàng thủy hải sản…
Có thể thấy ở bên cạnh một thị trường lớn như Trung Quốc chúng ta có được một số lợi thế: được sử dụng những mặt hàng giá rẻ và ta có thể bán được những mặt hàng nhiều khi chất lượng không cao. Và trên thực tế nhiều vùng nông thôn, nông dân của chúng ta đã khấm khá lên được nhờ buôn bán với thị trường Trung Quốc- chúng ta phải ghi nhận và tranh thủ những chuyện đó. Nhưng bên cạnh đó thấy rằng chúng ta cũng gặp những rủi ro lớn từ thị trường Trung Quốc thể hiện ở 3 vấn đề: Vấn đề thứ nhất là nhập những công nghệ lạc hậu từ thị trường Trung Quốc. Thứ hai là nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Thứ ba là dẫn đến sự bất ổn của nền kinh tế, của hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, các vùng khi quan hệ với một số thương gia Trung Quốc theo kiểu tiểu ngạch. Ba vấn đề đó là 3 vấn đề lớn.
Ở đây đặt ra vấn đề là đối với phía Nhà nước cần phải có cách thức quản lý chặt chẽ đối với việc thương nhân Trung Quốc đi vào đây tiếp xúc với nông dân. Thứ hai, các cấp chính quyền địa phương cũng phải phát huy vai trò của mình trong việc quản lý trên địa bàn của mình. Cách đây ít lâu như báo chí đưa tin có một thương nhân Trung Quốc vào vùng Bắc Giang mua vải thiều tranh với một thương nhân Việt Nam, không biết mâu thuẫn thế nào rồi hai thương nhân này đánh nhau. Những chuyện đó không nên để tái diễn.
Xuất khẩu phải đi vào chính ngạch
Việc thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với các mặt hàng. Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng nay đem xuất khẩu sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, có thể kéo giá lương thực, thực phẩm tại thị trường Việt Nam lên cao, khiến việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn. Còn ở góc độ thị trường, Việt Nam không phải một thị trường lệ thuộc của Trung Quốc, mỗi thị trường đều có đường biên giới của nó. Cần rà soát lại các quy định, nếu họ làm thiệt hại cho Việt Nam, cần phải có hành động. Ông có nghĩ như vậy không?
Tôi nghĩ nông sản của chúng ta tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài là tốt. Chúng ta đã mất công rất nhiều mới tìm được đường cho con cá, con tôm, thủy hải sản của chúng ta xuất khẩu ra các nước. Nếu bây giờ chúng ta tìm được đường đi cho con lợn, con gà của chúng ta đi ra ngoài thì càng tốt chứ sao. Nhưng đi như thế nào? Đi một cách bài bản, đi theo kiểu có quy hoạch, hướng ra thị trường nước ngoài để đem lại sự giàu có cho người dân thì mới tốt. Và chúng ta cũng sẵn sàng dành những sản phẩm tốt để đi xuất khẩu vừa để được giá và mang lại tiếng cho đất nước. Còn nếu như chúng ta nghiên cứu nhu cầu, nếu như thị trường Trung Quốc thực sự cần cái gì mang tính chất lâu dài thì chúng ta đầu tư vào sản xuất các mặt hàng đó để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng chúng ta đừng đi theo kiểu là họ muốn mua động vật quý hiếm, hoang dã như rắn, tê tê, ba ba… thì ta đi vào trong rừng bắt thì không thể chấp nhận được, như vậy là phá hoại môi trường. Điều đó còn phụ thuộc về phía chúng ta, mặc dù họ có nhu cầu nhưng chúng ta có cung cấp hay không và cung cấp theo cách nào thì chúng ta có quyền quyết định. Vì vậy, tôi cho rằng, muốn xử lý người ta, trước hết mình phải có đường đi, nước bước bài bản đã.
Dường như đến thời điểm này, chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cản việc thương nhân TQ đẩy mạnh thu mua nông sản của Việt Nam?
Điều đó là đúng. Từ trước đến nay sự phối hợp giữa các bộ, ngành của ta không tốt, dẫn đến không quản lý, không thống kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng xuất sang TQ. Lợi ích quốc gia của chúng ta đã chưa được đặt lên hàng đầu, mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích của một nhóm nào đó. Do vậy, nhiều nông sản của ta xuất sang TQ rơi vào tình trạng không thể quản lý nổi. Cuối cùng thiệt hại vẫn là chúng ta.
Để khắc phục, chúng ta phải có sự tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản sang TQ. Xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, ký hợp đồng rõ ràng.
Phải có chiến lược cho nông sản Việt Nam
Vậy về phía các cơ quan quản lý, theo ông phải làm gì để có thể tránh được những thiệt hại khi buôn bán với TQ, và có thể giúp nông dân tận dụng được cơ hội từ thị trường này. Ông có nhắc đến một chiến lược bài bản để xuất khẩu nông sản. Ông có thể nói cụ thể hơn không?
Một việc lớn đầu tiên là làm thế nào buôn bán theo chính ngạch, hạn chế buôn bán theo kiểu tiểu ngạch.
Thứ hai là các DN Việt Nam làm việc với DN Trung Quốc xem nhu cầu của họ như thế nào? DN Việt Nam thì tổ chức trong lĩnh vực đối với nông dân để sản xuất đáp ứng theo nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Chứ không nên để cho thương nhân, thương lái Trung Quốc vào tiếp xúc với từng hộ nông dân và cuối cùng là hậu quả không thể quản lý được, không thể tránh được rủi ro cho người nông dân.
Thứ ba là vấn đề tuyên truyền nhận thức một cách đúng đắn. Đưa được hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc một cách bài bản là điều chúng ta mong mỏi chứ không phải là chúng ta hạn chế. Vì vậy cách tuyên truyền cũng phải đúng, ở đây rất cần đến vai trò của Nhà nước.
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có chiến lược bài bản để xuất khẩu sang TQ. Cả thế giới hiện sợ thị trường này và cũng lợi dụng thị trường này. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế tác hại, tận dụng sức tiêu thụ của TQ. Chiến lược này phải được thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương và đến được với người nông dân. Lúc đó, chúng ta mới có thể phát huy những thế mạnh và làm chủ được thị trường trong buôn bán với TQ với những mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam.
Việc thương nhân Trung Quốc ráo riết mua hàng nông sản Việt Nam đang khiến các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu trong câu chuyện này khi mà mỗi năm, đến mùa thu hoạch, người nông dân luôn lâm vào tình trạng được mùa cũng buồn. Phải chăng năng lực cạnh tranh của nông dân Việt Nam kém hay chúng ta đang thiếu những chính sách cụ thể cho người nông dân cũng như DN thu mua nông sản?
Năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh DN, năng lực cạnh tranh mặt hàng của chúng ta là ở mức rất kém, rất thấp, chậm cải thiện, điều đó đã được khẳng định. Và chúng ta tham dự vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ở cái khâu thấp nhất, khâu đơn giản nhất là cung cấp nguyên, nhiên vật liệu bán thô…cái đó chúng ta cũng phải nhìn nhận để thấy rõ. Thêm nữa, tầm nhìn của các DN Việt Nam ngắn quá, bên cạnh đó, thời gian này, DN cũng khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng. Tất cả những việc đó cần phải có một sự thay đổi, cả về phía Nhà nước, kể cả phía DN.
Có thể khẳng định, năng lực DNVN trong lĩnh vực sản xuất nông sản là kém nhưng về phía nông dân Việt Nam thì cũng không phải là không có lỗi đâu. Lối sản xuất manh mún chưa được khắc phục ở quy mô sản xuất, cung cách làm ăn, suy nghĩ… Có nhiều trường hợp DN đã đầu tư vốn, đầu tư giống, công nghệ nhưng khi mùa thu hoạch được giá ông xé luôn, đem bán cho người khác để thu lợi, chỉ nhìn nhận thấy cái lợi trước mắt. Vì vậy cần phải có một chiến lược để làm sao nông nghiệp Việt Nam sản xuất theo một quy mô lớn, một tác phong làm ăn theo kiểu một nền sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa để cung cấp cho thị trường thế giới chứ không chỉ thị trường nội địa.
Xin cảm ơn ông!
Bà Phạm Chi Lan- Chuyên gia kinh tế cao cấp: “Chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát địa bàn”
Điều bất hợp lý nhất đó là để cho những thương lái của nước ngoài vào Việt Nam hoàn toàn không có giấy phép kinh doanh, không biết người ta là ai, tuy nhiên họ lại khống chế thị trường, quyết định giá cả và Nhà nước hoàn toàn không kiểm soát được họ, đồng thời không thu được một đồng thuế nào. Trong khi đó bất cứ một DN, một thương lái hay bất cứ hộ gia đình nào ở Việt Nam nếu đến bất cứ địa bàn nào giao dịch kinh doanh đều phải đăng ký với Nhà nước và nộp thuế. Tôi nghĩ Bộ Công thương, Bộ LĐ- TB &XH, Bộ Công an cần đưa ra một khuôn khổ pháp lý, đưa ra quy chế về quản lý kinh doanh, hướng dẫn địa phương trong việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng nêu trên. Đồng thời chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát địa bàn. Chính quyền địa phương là người đầu tiên phải có trách nhiệm giám sát đối với những người kinh doanh để đảm bảo tất cả những người kinh doanh đến đấy là người kinh doanh có đăng ký, có nộp thuế kinh doanh và có tất cả những địa chỉ cần thiết để khi có tranh chấp gì giữa người bán và người mua thì chính quyền còn có thể đứng ra giải quyết được.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh- Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Cần phải tìm hiểu rõ mục đích mua gom của họ để có phương án và chính sách phù hợp”
Hiện tượng thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua gom nông sản của Việt Nam cần phải được cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ ở nhiều khía cạnh. Cần phải tìm hiểu rõ mục đích mua gom của họ để có phương án và chính sách phù hợp. Nếu họ mua về để tiêu dùng trong nước thì chúng ta khó có thể phản đối. Chỉ có thể áp dụng các quy định chặt chẽ để bảo vệ hàng hóa nông sản của mình khi biết chắc chắn rằng họ mua về để xuất sang nước thứ 3. Tuy nhiên, cũng chưa thể kết luận một cách chắc chắn việc để Trung Quốc thu gom nông sản thể hiện sự yếu kém và thiếu sót của doanh nghiệp Việt Nam bởi làm ăn với Trung Quốc luôn có những vấn đề mà nếu không nghiên cứu kỹ và sâu, chúng ta khó mà hiểu được…
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN: “Cần dựng hàng rào thuế quan”
Việc Trung Quốc thu gom mạnh nông sản của ta gần đây rất ảnh hưởng tới thị trường trong nước trong bối cảnh hiện nay. Do Trung Quốc thu mua ồ ạt nên giá sắn ở các vùng trung du đã lên tới 6.500- 6.700 đồng/kg, cao hơn cả giá lúa. Tất nhiên cái lợi là nông dân mừng vì bán được giá song cái hại là khiến cho giá thức ăn chăn nuôi lại tăng vọt. Bên cạnh đó, điều cần quan tâm nữa là họ mua bán rất thất thường. Có khi họ đặt nông dân mua số lượng lớn rồi không quay lại thanh toán hợp đồng. Tôi cho giải pháp điều hành của các cơ quan quản lý là nên tùy tình hình mà đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Ví dụ chúng ta có thể đánh thuế xuất khẩu cao với các mặt hàng mà trong nước đang hạn chế xuất khẩu.
TS. Vũ Đình Ánh- Chuyên gia kinh tế: “Chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể với thị trường này”
Hiện nay chúng ta đang rất lúng túng trước việc thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông sản của ta. Trước đây, chúng ta nhập nhiều nông sản từ họ cũng bị kêu, giờ bán được nhiều nông sản cho họ cũng bị kêu. Phải làm rõ việc thu gom này kéo theo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ, kéo theo hệ quả xấu, như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm của các DN trong nước. Cần rà soát lại các quy định. Nếu họ làm thiệt hại cho Việt Nam, cần phải có hành động. Tôi cho vấn đề ở đây là chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể với thị trường này. Hiện Trung Quốc là thị trường rất phức tạp. Buôn bán với họ không đơn giản, từ việc mua như thế nào, ai được lợi... còn rất mù mờ, bản thân DN và nông dân không thể nắm được. Do vậy, trong cân đối cung cầu của ta tới đây cần phải tính đến những tình huống như thế này để điều hành phù hợp, có lợi cho người dân. Các DNVN cũng phải mạnh lên, làm ăn bài bản hơn.
Bà Trần Thị Miêng- Cục phó Cục Chế biến, Nông lâm sản và Nghề muối: “Mối liên hệ của các DN Việt Nam đang rất lỏng lẻo”
Việc thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản của Việt Nam và mua được giá cao hơn là do họ không phải qua những cầu trung gian trong khi DN Việt Nam hay phải qua trung gian nên hay bị đội giá lên.
Tuy nhiên, có một thực tế thường diễn ra là thương nhân Trung Quốc hay nâng giá sàn từ đợt đầu rồi tập trung thu mua lượng hàng lớn trong thời gian ngắn rồi sau đó là quay sang ép giá. Vì thế, nông dân Việt Nam cần biết để lường trước. Và nếu nói DN Việt Nam thua thiệt trên sân nhà thì phải nói rõ thua thiệt như thế nào, thua thiệt vì lẽ gì? Tại thời điểm này lợi thế của DN nước ngoài cả về vốn liếng, tài chính là lớn hơn vì vậy DN Việt Nam phải chịu thiệt thòi là đúng. Tuy nhiên, thế mạnh của DN Việt Nam là có mối quan hệ truyền thống, sự hiểu biết về văn hóa thì các DN Việt Nam phải có sự liên kết để có xử thế phù hợp. Mối liên hệ này hiện nay đang rất lỏng lẻo và lại thiếu hiểu biết về đối tác do đó không phát huy được lợi thế của mình trên chính sân nhà.