Cây trồng công nghệ sinh học: Tương lai của nông dân
07-05-2015 12:43:59 PM // 873 lượt xem
Nông dân giữa hai chiến tuyến
Thiệt hại nông nghiệp do sâu bệnh, thiên tai sẽ được giải quyết thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học. Cây cải dầu kháng thuốc trừ cỏ được trồng ở New South Wales, Victoria và Tây Úc, chỉ trong một thời gian ngắn đã được trồng trên diện tích 688.000ha. Giống cà tím kháng sâu đục quả và giống khoai tây kháng bệnh mốc sương đang phát triển mạnh ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Indonesia. Đặc biệt, những giống cây trồng mới không cần bón phân sẽ được tạo ra trong tương lai. Vi khuẩn rhizobia có lợi khi sống cộng sinh với các cây họ Đậu đã giúp sản xuất ra đạm, nhưng hầu hết các cây trồng khác không nhận ra và “liên kết” với loại vi khuẩn này. Nhưng nay các nhà khoa học đã tạo ra được các giống ngô, cà chua, khoai tây và nhiều loại cây trồng kích hoạt cơ chế tương tác với vi khuẩn rhizobia. Với CNSH, chúng ta tạo ra loại cây trồng sử dụng hiệu quả dinh dưỡng, tăng khả năng chịu mặn, chịu lạnh, chịu hạn hán.
GS.TS. Antonius Suwanto, Trường Đại học Nông nghiệp Bogor (Indonesia) cho biết, hiện ở Indonesia nói riêng, các nước Đông Nam Á nói chung đang nổi lên “cuộc chiến” truyền thông giữa hai phe ủng hộ và phản đối cây trồng biến đổi gen (GMO). Mỗi năm, tổ chức nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu và các nhóm kêu gọi ăn chay đổ vào Indonesia một khoản tiền hơn 500 triệu USD cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện dự án kêu gọi không cho thương mại hóa cây trồng GMO. Chương trình của họ chú trọng vào các chiến dịch “gây ầm ĩ” như biểu tình và “gây lo sợ” bằng các hình ảnh, video sai lệch và không dựa trên các tài liệu khoa học hay các chứng cứ cụ thể nào. “Tôi được biết, ở Việt Nam, tổ chức nông nghiệp hữu cơ và các tổ chức bài xích cây trồng GMO chi ra khoảng 200 triệu USD/năm để ký hợp đồng với đối tác như Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Quỹ Hòa bình… để phản đối cây trồng GMO”, ông Suwanto nhận định.
Phe ủng hộ cây trồng GMO cũng không kém cạnh, họ hướng đến nông dân để tuyên truyền. Mới đây, hàng nghìn nông dân ở Indonesia đã biểu tình yêu cầu Chính phủ phải cho trồng giống ngô, khoai tây chuyển gen. Hiệp hội Nông dân Indonesia kêu gọi Chính phủ nước này tăng cường ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất. “Quan điểm của chúng tôi là, cây trồng GMO phải được kiểm tra để đảm bảo chúng được an toàn như cây trồng thông thường và có hàm lượng dinh dưỡng và thành phần tương tự. Có tới 70% lương thực, thực phẩm được tiêu dùng trên thế giới hiện nay đã có chứa thành phần từ thực vật GMO. Chúng ta thường xuyên ăn khoai tây GMO từ KFC, Mc Donald, đậu tương GMO trong đậu phụ, sữa đậu nành, thế nhưng chưa thực sự hiểu hết về cây trồng này”, GS.Suwanto bày tỏ.
GS. Frank Shotkoski, Giám đốc dự án hỗ trợ CNSH nông nghiệp tại Philippines cho biết, hơn 3.200 nhà khoa học nổi tiếng trên toàn thế giới đã ký một tuyên bố khẳng định cây trồng GMO an toàn đối với con người, động vật và môi trường. Ủy ban châu Âu đã phát hành một bản tóm lược 50 dự án nghiên cứu về sự an toàn của thực phẩm của cây trồng GMO, kết luận rằng không có bằng chứng khoa học về rủi ro an toàn thực phẩm đối với thực phẩm GMO. Đến nay, có ít nhất 57 quốc gia đã ban hành phê chuẩn sử dụng nông sản GM) làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Nông dân ở vùng Los Banos, tỉnh Tarlac (Philippines) đã trồng giống ngô BĐG từ năm 2007 và cho năng suất gấp gần 3 lần.
Theo GS. Shotkoski, những lo ngại về ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng chỉ là cái cớ. Châu Âu phản đối mạnh mẽ GMO, nguyên nhân chính là do CNSH của châu Âu đi sau Mỹ rất xa. Cả thế giới mới chỉ có duy nhất nước Mỹ đã sản xuất thành công giống cây GMO. Do những lo ngại về độc quyền kinh doanh hạt giống GMO của Mỹ nên các nước châu Âu khi chưa tự chọn tạo được giống GMO đã phản đối quyết liệt việc thương mại hóa các sản phẩm GMO. Tổ chức nông nghiệp hữu cơ thì vốn lấy phương thức canh tác truyền thống là không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, nên họ đang độc quyền về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với giá bán cao. Đông đảo nông dân ở các quốc gia Đông Nam Á đang tham gia hệ thống của các tổ chức này. Nếu cây trồng GMO phát triển với đặc trưng không cần sử dụng thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón, giá thành rẻ hơn, sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường của nông nghiệp hữu cơ, vì vậy họ phải lao vào cuộc quyết chiến ngăn chặn đối thủ cạnh tranh.
Cần có đối sách phù hợp
Frank Shotkoski cho hay, châu Âu đang nỗ lực đầu tư vào công nghệ GMO, đến nay hầu hết các giống ngô GMO trồng phổ biến ở Pháp đều do họ tự tạo ra. Khoảng cách công nghệ GMO của Pháp so với Hoa Kỳ đã được rút ngắn, nên các điều kiện về công nhận sản phẩm GMO đang được nới lỏng dần. Chỉ trong vòng một thập kỷ nữa, khi công nghệ GMO của châu Âu đủ sức cạnh tranh với Mỹ, thì thế giới sẽ chứng kiến sự “quay ngoắt” của Châu Âu, họ sẽ đồng loạt công bố tính an toàn của thực phẩm GMO và ra sức cổ vũ cho loại cây trồng này.
Bà Rosalie Ellasus, một nông dân đến từ Philippines cho biết, bà cũng như hàng triệu nông dân ở Philippines đã đổi đời nhờ trồng ngô GMO. Trước đây, các nhà khoa học nước này nói rằng trong nước đã tạo được những giống ngô lai cho năng suất tới 10-12 tấn/ha, thế nhưng đó chỉ là năng suất thí nghiệm với điều kiện canh tác tối ưu, khi nông dân đưa rồng thì không bao giờ vượt qua được 4 tấn/ha bởi sâu bệnh phá hoại. Trồng giống ngô GMO có gen kháng sâu bệnh, không cần chăm sóc thì năng suất thực tế ngoài đồng ruộng vẫn luôn đạt trên 8 tấn/ha. Nhờ năng suất tăng lên 40%, lại không còn mất tiền mua thuốc trừ sâu, không phải cày bừa trước khi gieo trồng, nên thu nhập trồng ngô cao gấp đôi so với trước kia. Hạt ngô GMO thu hoạch được bán dễ hơn so với giống ngô thông thường do giảm thiểu sự xuất hiện của các loại chất độc gây ra do vi khuẩn như Aflatoxin... Các giống lúa GMO cũng đang được ưa chuộng tại Philippines. Chỉ sau 10 năm thương mại hoá cây trồng GMO, từ một nước phải nhập khẩu 2-3 triệu tấn gạo mỗi năm, nay Philippines đang dần tự túc lúa gạo, dự tính 5 năm nữa sẽ không còn phải nhập khẩu gạo và sẽ thừa ngô để xuất khẩu.
Dr. Antonius Suwanto chia sẻ: “Tôi được biết Việt Nam cũng như Indonesia và hầu hết các nước Đông Nam Á khác đang sốt sắng với việc cho thương mại hóa giống ngô GMO. Chúng tôi khuyên các bạn nên có những bước đi thận trọng, cần có chiến lược thích hợp. Để tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài, Indonesia có một đối sách khá tốt là ban hành văn bản quy định, tất cả giống GMO muốn thương mại hóa thì doanh nghiệp phải cam kết giống đó sẽ phả được sản xuất tại Indonesia. Việt Nam nên tham khảo đối sách của Indonesia, chứ không nên mở cửa quá rộng như Philippines”.
Tin tức khác